TEKSOL - We develop industry

https://vnteksol.com


NHỮNG ĐIỀU NHỎ NHẶT

Trong xã giao, cách giới thiệu, bắt tay, lúc ngồi xe hay dùng bữa,... chỉ là những điều nhỏ nhặt. Vì tôi nghĩ rằng tấm lòng chân thành quý mến nhau mới là quan trọng nhất. "Người với người sống để yêu nhau" mà.

Nhưng đôi khi, sơ suất những chi tiết nhỏ lại khiến đối phương cảm thấy tổn thương, dẫn đến trả giá bằng một cơ hội công việc tốt hay mối quan hệ kinh doanh tiềm năng.
NHỮNG ĐIỀU NHỎ NHẶT

NHỮNG ĐIỀU NHỎ NHẶT

Trong xã giao, cách giới thiệu, bắt tay, lúc ngồi xe hay dùng bữa,... chỉ là những điều nhỏ nhặt. Vì tôi nghĩ rằng tấm lòng chân thành quý mến nhau mới là quan trọng nhất. "Người với người sống để yêu nhau" mà.

Nhưng đôi khi, sơ suất những chi tiết nhỏ lại khiến đối phương cảm thấy tổn thương, dẫn đến trả giá bằng một cơ hội công việc tốt hay mối quan hệ kinh doanh tiềm năng.

Nên tôi tổng hợp lại cho mình một số lưu ý tâm đắc từ các bài viết của anh Lý Quý Trung, một người "mê kinh doanh, đọc sách, chia sẻ" và rất hào hoa phong nhã. Xin cảm ơn và xin phép anh được chia sẻ lại.

1) CÁCH GIỚI THIỆU

Giả dụ tình huống thế này, bạn đưa sếp tới gặp khách hàng thì sẽ phải giới thiệu ai trước? Câu trả lời là sếp bạn nhé, vì khách hàng luôn được ưu tiên hơn.

Anh Trung viết: "Có một người bạn doanh nhân trẻ tình cờ đụng mặt giữa đường, lâu ngày không gặp nên vui quá tay bắt mặt mừng. Rồi anh bạn trẻ này quay sang người bạn đang đi cùng với mình để giới thiệu về người quen mà anh ta vừa đụng mặt.

Trong bụng tôi nói ngay, nữa, mấy em lại giới thiệu sai rồi, đúng ra phải nói theo trình tự như vầy: “Anh Trung ơi, đây là bạn của em, bạn ấy đang làm việc ở công ty ABC…”, xong rồi mới giới thiệu “Còn đây là ông anh mình…”. Vì người lớn hơn lúc nào cũng được ưu tiên “nghe” trước, hay nói khác đi, người nhỏ phải được giới thiệu cho người lớn hơn - chứ không phải ngược lại!

Một lỗi điển hình trong nghệ thuật giao tiếp. Chuyện nhỏ thôi nhưng một khi muốn giao tiếp có chút nghệ thuật thì đành phải lưu tâm mấy chuyện nhỏ như vậy."

Theo thói quen thông dụng nhất thì người ít quan trọng phải được giới thiệu với người quan trọng hơn: cấp dưới với câp trên, người trẻ với người già hơn, người sở tại với khách tới thăm, bạn bè thân thiết với những người thân hơn và người mới tới với người tới trước.

2) CÁCH BẮT TAY

Anh Trung chia sẻ: "Hôm qua phỏng vấn xong một ứng viên cho vị trí quản lý khá quan trọng, mọi thứ đều tốt đẹp, riêng đoạn bắt tay lúc ra về là không ổn tí nào.

Bắt tay gì mà lỏng le, nhẹ hều, giống như bắt bằng mấy đầu ngón tay vậy! Uổng quá, vì cái bắt tay kiểu này ít nhiều gì cũng cho thấy ứng viên có chút lo lắng, thiếu tự tin, thậm chí hời hợt. Nó để lại một dấu chấm hỏi lớn về tính cách, bản lĩnh của ứng viên trong đầu của nhà tuyển dụng.

Bởi vậy người ta mới nói kỹ năng mềm đôi khi làm nên sự khác biệt. Bắt tay là một kỹ năng mềm, một ấn tượng đầu tiên và cuối cùng mà chúng ta để lại trong các cuộc gặp gỡ, phỏng vấn.

Nhà văn Helen Keller người Mỹ (vừa bị điếc vừa bị mù) từng nói: “Có những bàn tay tôi từng tiếp xúc có cảm giác như khoảng cách giữa hai người như xa hàng dặm, nhưng cũng có những cái bắt tay tràn đầy ánh sáng, lưu lại cho bạn một cảm giác cực kỳ ấm áp”.

Bắt tay mà cho ra đầy ánh sáng mới ghê chứ! Bởi vậy không có lý do gì mà các bạn trẻ không lưu ý để vận dụng tối đa!

Có vài nguyên tắc cơ bản, thứ nhất không bao giờ bắt tay quá hời hợt nhưng cũng không quá mạnh, quá chặt, quá lâu làm người bắt tay với mình cảm thấy khó chịu. Nhất là đối với phụ nữ, có nhiều ông bắt tay xong không chịu buông ra, thậm chí còn sáp lại đứng quá gần người ta.

Có người còn cao hứng vừa bắt tay vừa đong đưa, lắc qua lắc lại để tỏ vẻ thân thiện, nhưng nói thiệt, bắt kiểu này chỉ làm hai người xa nhau.

Vậy bắt tay như thế nào cho nó đúng?

Thì bắt đừng quá mạnh hay quá nhẹ, nhưng phải đủ độ nhiệt thành, tự tin, bản lĩnh. Nhìn vào mắt người đối diện khi bắt tay cũng rất quan trọng vì nó cho thấy cả một sự trân trọng, chân thành trong đó. Tất cả chỉ là cảm giác, nhưng để người khác cảm nhận sai về mình thì quá là thiệt thòi, lãng phí.

À, người lớn tuổi hay lớn chức hơn luôn là người có quyền ưu tiên chìa tay ra bắt trước, nếu mình vô tình làm điều ngược lại là không đúng phép xã giao, có khi còn bị việt vị vì đưa tay ra rồi mà người ta không thèm bắt vì muốn bắt lỗi mình. Còn đàn ông mà gặp phụ nữ thì ai ưu tiên hơn ai đã biết rồi, đừng bộp chộp chìa tay ra sớm có khi rút lại không kịp."

3) LÚC NGỒI XE

Anh Trung viết: "Nhớ thời vừa chân ướt chân ráo mới làm giám đốc khách sạn, có lần nghĩ là mình lịch sự nên cứ mời ông chủ khách sạn sếp mình bước lên xe trước để mình vô sau tiện tay đóng cửa luôn (vì nghĩ là phải mở cửa, đóng cửa và nhường sếp thì mới đúng điệu).

Nhưng hoá ra là sai, về nhà ngẫm nghĩ lại mới thấy không ổn, hèn gì sếp cứ đòi nhường mình chui vô trước cho bằng được. Vì người chui vô xe trước cực hơn người vô sau! Phải nhích người trườn qua nguyên băng ghế dài để có chỗ trống cho người vô sau. Vì đặc thù đường xá VN không cho phép người lên xe sau có thể đóng cửa cho sếp hay khách vip rồi đi vòng qua bên kia bước vào xe cho đúng điệu. Mà tất cả chỉ vào xe được từ một ngã bên phải, nếu không muốn làm ùn tắc giao thông hay gây ra tai nạn.

Mỗi nước mỗi khác. Ở VN hình như người quan trọng nhất hay lớn nhất thường ngồi ở vị trí bên phải của băng ghế sau. Còn ở bên Úc thì thấy đa số sếp lại thích chọn ngồi phía trước ngay cạnh tài xế, đúng vị trí mà ở VN gọi là phụ tài. Bên Nhật bên Hàn Quốc nghe nói cũng khác nữa. Nên chắc ăn nhất là đi đâu cũng vậy nên quan sát và tìm hiểu cho rõ để tránh bị việt vị không đáng có. Chắc nữa thì hỏi thẳng luôn sếp hay vị khách VIP của mình muốn ngồi đâu thì mình nhường luôn chỗ đó!

Sẵn nói chuyện ngồi đâu trên xe hơi cho đúng, nếu ai hỏi tôi vậy có hai cặp vợ chồng lên cùng một xe thì nên bố trí như thế nào cho hợp lý. Theo tôi thì hay nhất là hai ông đàn ông nên ngồi phía trước để hai người phụ nữ ngồi phía sau, vừa an toàn lại vừa dễ dàng nói chuyện. Vả lại, làm như vậy là làm đúng theo cái câu người ta thường nói, là cứ phía sau một người đàn ông thành đạt là chắc chắn có một người phụ nữ!

À, cũng chuyện ngồi ở đâu trên xe, có một thứ vô cùng quan trọng, là một khi bạn mình hay sếp mình chính là người lái xe thì mình phải nhảy lên ngồi ngay bên cạnh - chứ không bao giờ chễm chệ ngồi ở băng ghế sau! Vì không ai muốn biến bạn hay sếp mình thành tài xế cả!"

4) LÚC ĂN TIỆC / DÙNG BỮA

"Nhiều khi đi nhà hàng nhưng không phải để ăn mà để làm một việc khác quan trọng hơn ăn. Như để dự một cuộc phỏng vấn chẳng hạn.

Tại sao lại lựa chỗ ăn uống để phỏng vấn? Câu trả lời là vì trong lúc ăn uống hay vui chơi giải trí con người thường bộc lộ ra hết những cá tính, đặc điểm, những thứ mà trong một cuộc phỏng vấn thông thường sẽ không bao giờ thấy được. Đó là lý do mà nhiều sếp lớn hay mời ứng viên tiềm năng cho các vị trí quản lý cao cấp đi ăn cơm tối trước khi đưa ra quyết định cuối cùng.

Cho nên đi ăn trong trường hợp này cũng cần phải chuẩn bị cẩn thận y như đi phỏng vấn. Mặc quần áo gì, phong cách ra sao cũng cần phải cân nhắc để phù hợp với hoàn cảnh, với “gu” của sếp.

Nếu sếp tương lai của mình là người có vẻ cổ điển - “kính cổng cao tường”, thì chắc sẽ không có ấn tượng tốt lắm đối với những người có cách ăn mặc cách tân, điệu đàng. Hoặc ngược lại. Đó chỉ là một ví dụ nhỏ, còn bao nhiêu thứ linh tinh khác mà người đi tìm sự chu đáo có thể cân nhắc.

Vào đến nhà hàng, chọn món gì trên thực đơn coi vậy mà cũng cần một chút lưu ý, tinh tế. Ví dụ, nên tránh kêu những món thuộc loại khó ăn, gặm xương, khó gắp vì nó dễ làm cho mình lúng túng, vụng về. Những món quá đắt tiền trên thực đơn cũng vậy, nên tránh xa vì mục đích chính của bữa ăn là cuộc phỏng vấn chứ không phải là ăn cho ngon, cho đã. Và đối với các món khai vị thì nên thận trọng quan sát xem chủ tiệc hay người phỏng vấn mình có gọi hay không, nếu người ta không ăn thì mình cũng không ăn.

Bia rượu cũng vậy, nếu chủ tiệc không uống thì mình cũng không uống. Thậm chí nhiều khi được mời cũng không nên uống, và đối đế có uống thì chỉ uống ở mức tối thiểu, chừng mực. Vì uống nhiều bia rượu chỉ làm mình nói ra những thứ đúng ra không nên nói.

Tuy vậy, nếu sở hữu một vốn kiến thức về rượu có khi là một điểm cộng, và ngược lại nếu bạn “mù chữ” hoàn toàn về khoản này thì có khi là một điểm trừ. Tôi biết có người đối phó nhanh bằng cách chạy đến nhà hàng mà mình sẽ ăn, tìm cách chụp vài pô danh sách rượu để về nhà nghiên cứu trước.

Đối với các nhà hàng Tây thuộc loại cao cấp, sang trọng thì phần set-up bày biện ly-chén-dĩa-dao nĩa trên bàn đôi khi cũng làm mình choáng! Dĩa thì hai ba loại, dao, nĩa hai ba cây, ly lớn ly nhỏ đủ cỡ. Cũng may mà thời buổi bây giờ thông tin gì cũng có đầy trên mạng, nên chỉ vài cú nhấp chuột là có thể biết ngay công năng cụ thể của từng món đó.

Nhưng biết là một chuyện, còn nhớ được hay không là chuyện khác. Sau đây là mấy nguyên tắc nho nhỏ có thể giúp bạn tự cứu mình một khi quên bài:

Nếu trên bàn đặt sẵn nhiều loại dao, muỗng, nĩa thì cứ sử dụng từ ngoài vào trong cho mỗi món ăn đưa ra.
Dĩa nhỏ đựng bánh mì lúc nào cũng nằm bên trái, còn ly nước và các ly rượu chát lúc nào cũng nằm bên phải. Đừng bốc nhầm ly hay dĩa của người kế bên!
Nếu mấy nguyên tắc cơ bản nhất mà cũng quên thì áp dụng nguyên tắc này: Ngồi yên quan sát, chờ chủ tiệc làm gì thì mình làm y chang là chắc ăn!

Còn sau khi ăn xong, một điều cần lưu ý là đừng bao giờ xỉa răng ngay trên bàn ăn, một thói quen xấu và khá phổ biến ở các nước Châu Á. Nếu kẹt quá thì hãy làm việc đó trong toilet! Phụ nữ đánh son trang điểm lại sau bữa ăn cũng vậy, cũng cần đi vào bên trong hậu trường mà làm. Đừng làm ngay trước mặt khách.

Cuối cùng, đừng bao giờ nhảy ra giành tính tiền hay chia tiền với chủ tiệc vì đây là một cuộc phỏng vấn chứ không phải một buổi ăn ngoài đúng nghĩa. Chỉ cần cảm ơn một cách chân thành và khi về nhà thì đừng quên viết thư hay email cảm ơn một lần nữa.

Bức thư cảm ơn này phải cho thấy sự trân trọng và hào hứng đối với một cơ hội quí giá mà người ta đang cân nhắc để trao cho mình. Biết đâu nó chính là yếu tố quyết định cuối cùng."

Nguồn: tác giả Lý Quý Trung

Tổng hợp lại: Phạm Quang Huy
Sales Manager
TEKSOL Vietnam

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây