NHỮNG CÔNG THỨC CỦA CUỘC ĐỜI

Thứ bảy - 07/05/2022 05:14
Nhân cách của con người sẽ được quyết định bởi cuộc sống của người đó dựa trên tư duy triết học nào, quan niệm hay tư tưởng nào. Nếu không có gốc tư tưởng vững chãi thì cây nhân cách không thể vững vàng, thân to, cành khoẻ được
NHỮNG CÔNG THỨC CỦA CUỘC ĐỜI
Những nguyên tắc đạo đức chân phương là kim chỉ nam bất di dịch
Tác giả: Inamori Kazuo - Người sáng lập Tập đoàn Kyocera
Trích đoạn cuốn sách "Cách sống"

Tuỳ theo cách sống mà tâm hồn chúng ta được mài sáng lên hoặc trở nên tối tăm. Tâm hồn trở nên thanh cao hay thấp hèn phụ thuộc vào việc chúng ta đã và sẽ sống như thế nào.

Trên đời có không ít người tài năng nhưng sống lầm lạc vì tài năng không song hành với đạo đức. Ngay cả trong giới kinh doanh mà tôi là một thành viên, cũng không ít người trở nên bê bối chỉ vì lòng tham và thói ích kỷ. Nhiều người do quá tự tin vào tài năng của mình nên đã chọn con đường lẽ ra không nên chọn. Đúng như người xưa có câu: Người tài chết vì tài. Hành động của nhiều người giỏi giang lại giống như tự mình thắt cổ mình. Họ tự tìm đến thất bại do quá ỷ vào tài năng dù cũng có đôi lần thành công. Càng có tài hơn người lại càng phải có la bàn dẫn lối để có thể đi đúng hướng.

Quan niệm, tư tưởng hay tư duy triết học đúng đắn chính là cái la bàn ấy. Thiếu tư duy triết học, quan niệm sai lầm, cộng với kém nhân cách thì dù có tài đến mấy cũng lầm lạc. Hiện tượng này không chỉ xảy ra trong giới doanh nhân mà còn xảy ra với bất kỳ ai. Có thể dùng phương thức toán học để diễn đạt:
Nhân cách con người = Tính cách + Tư duy triết học.

Tính cách con người là do bẩm sinh. Tư duy triết học, quan niệm, tư tưởng là những gì mà con người có được trong quá trình sống và học tập. Nhân cách được tạo thành từ hai mặt đó. Nói cách khác, nhân cách hay tâm hồn con người được đúc ra từ hai chất liệu: tính cách bẩm sinh và tư duy triết học (hay quan niệm, tư tưởng).

Theo lôgic đó, nhân cách của con người sẽ được quyết định bởi cuộc sống của người đó dựa trên tư duy triết học nào, quan niệm hay tư tưởng nào. Nếu không có gốc tư tưởng vững chãi thì cây nhân cách không thể vững vàng, thân to, cành khoẻ được. Vậy chúng ta cần trang bị cho mình thứ tư duy triết học nào? Đó là câu hỏi cơ bản: “Ta có sống đúng với đạo làm người hay không?”. Cụ thể là những lời dạy của cha mẹ đối với con cái, là những bài học luân lý, đạo đức được chắt lọc suốt chiều dài lịch sử.

Tập đoàn Kyocera được hình thành từ một công ty nhỏ do một số người lập ra khi tôi mới 27 tuổi. Lúc đó, tôi hoàn toàn là kẻ ngoại đạo, không có kiến thức, không có kinh nghiệm trong lĩnh vực kinh doanh. Tôi chưa biết bằng cách nào có thể duy trì và phát triển công ty. Sau một thời gian dài suy nghĩ, đắn đo, lúng túng, tôi quyết định sẽ tiến hành mọi việc căn cứ trên đạo làm người.

Theo đúng đạo làm người là thế nào? Cụ thể là: Ngay thẳng. Chính trực. Không tham lam. Không ích kỷ. Không dối trá. Không làm hại người khác… Tất cả những nguyên tắc đạo đức giản dị trên đây - ai cũng từng được cha mẹ dạy từ thuở thơ ấu, nhưng khi lớn lên thường quên mất - đã trở thành kim chỉ nam, thành phương châm kinh doanh, thành chuẩn mực hành xử của công ty.

Dù lúc đó tôi chưa có hiểu biết bao nhiêu về kinh doanh nhưng tôi tin tưởng tuyệt đối rằng bất kể kinh doanh kiểu nào, nếu vi phạm và đi ngược với đạo đức làm người thì nhất định sẽ thất bại. Đó là tiêu chuẩn rất chân phương, là nguyên lý ai cũng hiểu. Dựa vào tiêu chuẩn đó, nguyên lý đó, tôi điều hành công ty, đi đúng đường, không lạc lối. Và cũng tiêu chuẩn đó, nguyên lý đó đã dẫn dắt tôi đến với thành công trong sự nghiệp. Nếu hỏi tôi lý do thành công thì có lẽ chỉ có thể nói như vậy.

Tức là, luôn đòi hỏi bản thân theo đúng với đạo làm người. Đó cũng là phương châm đơn giản nhưng đầy sức mạnh. Tôi luôn khắc sâu trong tâm khảm điều quan trọng nhất và nỗ lực giữ gìn điều đó suốt cuộc đời: Mình có hành xử sai với đạo làm người không? Mình có đi ngược lại với luân thường đạo lý căn bản không? Trong xã hội Nhật Bản hiện nay, hễ cứ đề cập tới luân lý đạo đức là không ít người thành kiến, cho rằng đó là cách nghĩ cổ hủ, lạc hậu, không phù hợp với thời đại. Nhật Bản sau Chiến tranh Thế giới thứ II đã nhìn vấn đề luân lý đạo đức như một điều cấm kỵ do kinh nghiệm xương máu từ việc “nhồi sọ tư tưởng thông qua luân lý đạo đức thời kỳ chiến tranh”.

Tuy nhiên, luân lý đạo đức tôi nói ở đây là thứ luân lý đạo đức được kết tinh từ trí tuệ loài người bao đời nay, đã trở thành tiêu chuẩn căn bản, thành chuẩn mực trong cuộc sống hàng ngày. Người Nhật hiện đại chạy theo lợi lộc thực dụng đã để mất nhiều thứ quý giá, từ bỏ cả những tập quán tốt đẹp đã được hình thành từ xa xưa chỉ vì cho rằng nó cổ hủ, lạc hậu, không phù hợp với thời đại, trong đó có luân lý đạo đức. Thế nhưng, giờ đây chúng ta phải đánh giá lại, xem xét lại những nguyên tắc sống cơ bản của con người. Cuộc sống đòi hỏi phải trở lại các chuẩn mực kinh điển đó. Tôi nghĩ đã đến lúc chúng ta phải tìm lại những di sản tinh thần quý báu của cha ông.

Cuộc sống sẽ thay đổi 180 độ nếu thay đổi cách tư duy Để sống cuộc sống tốt hơn, để có thể hưởng thành quả lao động thì phải làm thế nào? Tôi thể hiện điều đó bằng công thức như sau:
Cuộc đời và thành quả công việc = Tư duy x Nhiệt huyết x Năng lực.

Có nghĩa là cuộc đời và thành quả công việc có được là nhờ phép nhân 3 yếu tố trên chứ không phải là phép cộng. Trước hết, năng lực có nghĩa là tư chất bẩm sinh bao gồm tài và trí. Sức khoẻ, năng lực tư duy được coi là tư chất bẩm sinh. Còn nhiệt huyết là lòng nhiệt tình, nỗ lực cho công việc. Đó là nhân tố được tạo thành sau này và bởi ý chí. Mỗi nhân tố tôi đặt thang điểm từ 0 đến 100. Vì là phép nhân nên dù có năng lực nhưng thiếu nhiệt huyết thì cũng không thể có kết quả tốt. Ngược lại, dù không có năng lực - tự mình biết rõ điều này – nhưng có nhiệt huyết trong công việc và trong cuộc sống thì vẫn có thể có được kết quả tốt hơn cả những người được Trời phú cho năng lực bẩm sinh.

Tôi đề cập đến nhân tố đầu tiên: Cách tư duy. Cách tư duy là nhân tố quan trọng nhất trong 3 nhân tố. Có thể nói không ngoa rằng cuộc đời của một người sẽ được quyết định bởi cách tư duy của người đó. Cách tư duy bao gồm: tấm lòng, cách sống, triết học, quan niệm, tư tưởng… được hình thành theo thời gian. Cách tư duy rất quan trọng vì có điểm âm trong đó. Điểm thấp nhất không phải là điểm 0 mà nó còn có cả điểm âm. Biên độ điểm của nhân tố này rất rộng từ -100 đến +100 điểm. Do đó, như tôi đã đề cập lúc nãy, nếu cách tư duy sai thì dù được Trời phú cho năng lực và nhiệt huyết thì kết quả vẫn là con số âm.

Phép nhân mà có một thừa số âm thì bao giờ cũng cho kết quả âm. Tôi tốt nghiệp vào thời buổi khó kiếm việc làm, lại chẳng quen biết ai nên tham dự bao nhiêu cuộc thi tuyển thì bị loại từng ấy lần, không nơi nào nhận vào làm. Trong tình cảnh đó, tôi đã nghĩ nghiêm túc tới sự hận đời: Đã thế mình trở thành mafia trí thức – trong thế giới mà người yếu luôn bị ăn hiếp, bị bắt nạt thì thà rằng sống trong thế giới ngầm mang ơn trả ơn, mắc oán báo oán còn hơn. Thời ấy, nếu tôi lựa chọn con đường như vậy thì có lẽ giờ đây tôi cũng trở thành trùm một băng đảng nào đó rồi cũng nên.

Nhưng trong thế giới ngầm, dù có dồn hết tâm lực chắc chắn tôi cũng không thể có được hạnh phúc, không thể sống cuộc sống tốt đẹp bởi cách tư duy đó là lệch lạc, sai lầm về cơ bản. Vậy thì tư duy theo “chiều dương” là như thế nào? Các bạn không cần suy nghĩ phức tạp, chỉ cần luôn mang trong mình ý tưởng: “Làm việc thiện và có tấm lòng hướng thiện là đủ”. Các bạn hãy luôn mang trong mình lòng biết ơn với con người, với cuộc đời, hòa đồng với mọi người. Các bạn hãy luôn hướng thiện, biết sống nhân hậu, biết quan tâm đến người khác. Các bạn hãy không ngừng nỗ lực theo hướng đó, không ích kỷ, không tham lam, biết thế nào là đủ đối với mình… Tôi không thể diễn đạt hết ý tưởng này bằng ngôn từ mà chỉ yêu cầu các bạn hãy thấm nhuần sâu sắc, trở thành máu thịt những gì mà từ nhỏ các bạn đã được cha mẹ hay thầy cô dạy bảo: những nguyên tắc luân lý, đạo đức, kỷ luật căn bản.
cach song
Tác giả: Inamori Kazuo - Người sáng lập Tập đoàn Kyocera
Trích đoạn cuốn sách "Cách sống"

 

Total notes of this article: 0 in 0 rating

Click on stars to rate this article

  Ý kiến bạn đọc

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập5
  • Hôm nay1,406
  • Tháng hiện tại1,786
  • Tổng lượt truy cập425,159,375
TEKSOL VIETNAM FANPAGE
NHÃN HIỆU ĐỒNG HÀNH
Copyright     I     Privacy     I      Sales Terms & Conditions

CÔNG TY CỔ PHẦN PHÁT TRIỂN CÔNG NGHIỆP TEKSOL VIETNAM          Tập thể team TEKSOL

TEKSOL VIETNAM INDUSTRY DEVELOPMENT JOINT STOCK COMPANY
TEKSOL VIETNAM., JSC
Địa chỉ ĐKKD:  Số 17/45 Kiều Sơn, Phường Đằng Lâm, Quận Hải An, Thành phố Hải Phòng, Việt Nam
Văn phòng giao dịch: Phòng 401, tầng 4, tòa nhà VCCI, 464 Lạch Tray, Ngô Quyền, Hải Phòng, Việt Nam
Nhà xưởng: Số 50, đường Quỳnh Hoàng 1, Nam Sơn, An Dương, Hải Phòng, Việt Nam
Mã số thuế:
0201862965
Tel: +84 911 110 800  /   +84 815 666 408   /  +84 815 966 408
Email:   [email protected]  I   [email protected]
Số tài khoản: 1031000006262 tại ngân hàng Vietcombank chi nhánh Nam Hải Phòng

 
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây